Tin tức

Nguyên nhân và các phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim là một bệnh liên quan đến quá trình vận hành điều khiển nhịp của tim, chỉ sự bất thường về tần số và/hoặc nhịp tim do bất thường của hệ thống dẫn truyền điện trong tim gây ra.

1. Rối loạn nhịp tim là gì?

Rối loạn nhịp tim là căn bệnh tim đặc trưng, do tần số hoặc nhịp tim bất thường, có thể quá nhanh, quá chậm, quá thất thường .... Bệnh này phổ biến nhiều hơn ở nam giới ở 70% các trường hợp, chỉ 30% là nữ giới

Nhịp tim nhanh có nghĩa là tần số tim nhanh hơn bình thường - hơn 100 nhịp/phút. Nhịp tim chậm có nghĩa là tần số tim chậm hơn so với bình thường - dưới 60 nhịp/phút.

2. Các nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới rối loạn nhịp bao gồm:

2.1 Nguyên nhân tại tim

Nhiều loại rối loạn nhịp là biến chứng của các bệnh lý tim mạch, như:

  • Bệnh lý mạch vành (gây đau thắt ngực và đau tim)
  • Bệnh lý của van tim
  • Tăng huyết áp
  • Thoái hóa do tuổi tác
  • Bệnh cơ tim
  • Bất thường đường dẫn truyền xung điện bẩm sinh

2.2 Nguyên nhân không do tim

Một số thuốc điều trị, tình trạng cường giáp đôi khi có thể kích thích khởi phát rối loạn nhịp tim . Trong nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân gây rối loạn nhịp.

Các bệnh lý của van tim là nguyên nhân phổ biến gây rối loạn nhịp tim

3. Triệu chứng của rối loạn nhịp tim là gì?

Triệu chứng biểu hiện có thể khác nhau tùy vào mức độ nặng của tình trạng bệnh. Nếu tình trạng rối loạn nhịp xảy ra ngắt quãng, các triệu chứng biểu hiện rồi tự biến mất một cách đột ngột. Các triệu chứng có thể xuất hiện bao gồm:

  • Cảm giác đánh trống ngực, tuy nhiên cảm giác đánh trống ngực cũng thường gặp ở những người không bị rối loạn nhịp, do đó cần đi thăm khám bác sĩ để có chẩn đoán chính xác.
  • Nhịp mạch nhanh bất thường, chậm bất thường, hoặc nhịp không đều.
  • Chóng mặt hoặc cảm giác muốn ngất xỉu.
  • Khó thở.
  • Đôi khi xuất hiện đau ngực.

Một số loại rối loạn nhịp nghiêm trọng hơn những loại khác. Nếu nhịp tim quá nhanh hoặc quá chậm sẽ dẫn tới thể tích tuần hoàn không đủ, có thể gây ra suy tim.

Ở trẻ nhỏ, rối loạn nhịp tim sẽ rất khó phát hiện bởi gợi ý duy nhất chỉ là thay đổi hành vi hoặc thay đổi ăn uống.

4. Rối loạn nhịp tim được điều trị như thế nào?

Mỗi loại rối loạn nhịp tim có một phương pháp điều trị riêng biệt, đồng thời việc điều trị cả các nguyên nhân nền gây ra nó cũng rất quan trọng (chẳng hạn như bệnh lý mạch vành, tăng huyết áp ,...). Các phương pháp điều trị bao gồm:

  • Sử dụng thuốc: Tùy loại rối loạn nhịp sẽ sử dụng thuốc điều trị phù hợp.
  • Cắt đốt qua ống thông (catheter destruction, catheter ablation): Một ống thông sẽ đi từ tĩnh mạch đùi luồn vào buồng tim, phần đầu của ống thông có khả năng phá hủy một phần mô tim nhỏ là nơi khởi phát hoặc kích thích khởi phát xung điện bất thường.
  • Sốc điện chuyển nhịp (cardioversion): là một phương án để điều trị một số loại nhịp nhanh. Bệnh nhân sẽ được sốc điện sau khi đã gây mê để đưa nhịp tim bất thường trở lại bình thường.
  • Máy tạo nhịp nhân tạo : Được sử dụng trong trường hợp block tim hoàn toàn và một số trường hợp cụ thể khác. Một thiết bị nhỏ để tạo nhịp tim sẽ được cấy ghép vào lồng ngực bệnh nhân, thiết bị này sau đó sẽ tạo nhịp và duy trì nhịp tim bình thường cho bệnh nhân.
  • Cấy ghép máy khử rung tim (Implantable cardioverter defibrillators - ICDs): Thiết bị này nhỏ tương tự như máy tạo nhịp nhân tạo, được cấy ghép vào lồng ngực bệnh nhân, giữ vai trò theo dõi nhịp tim, khi phát hiện nhịp bất thường sẽ tạo ra một cú sốc điện ngắn để ngăn chặn.

5. Có những loại rối loạn nhịp tim nào?

Những loại rối loạn nhịp tim chính bao gồm:

  • Ngoại tâm thu : Là những nhịp tim bất thường xuất hiện thêm ngoài nhịp tim bình thường. Chúng khá phổ biến và thường vô hại, và cũng thường bị bỏ qua. Caffeine trong trà, cà phê và rượu có thể gây ra nhiều nhịp ngoại tâm thu hơn bình thường.
  • Nhịp nhanh trên thất.
  • Rung nhĩ .
  • Cuồng nhĩ: Biểu hiện khá tương tự như rung nhĩ. Tâm nhĩ đập với tần số khoảng 300 nhịp/phút nhưng tâm thất không đập nhanh như vậy, với tần số khoảng 75 - 150 nhịp/phút.
  • Nhịp nhanh thất: Là một rối loạn nhịp không phổ biến. Tâm thất đập nhanh hơn bình thường (tần số đạt 120 - 200 nhịp/phút), còn tâm nhĩ đập với tần số bình thường. Xung điện bất thường được khởi phát ở một vị trí nào đó trong tâm thất, khiến tâm thất đập theo xung này mà không đập theo xung bình thường.
  • Rung thất: Là hiện tượng có rất nhiều các xung điện bất thường khởi phát từ nhiều vị trí khác nhau của tâm thất, khiến cơ tim liên tục co bóp nhưng không đủ lực để bơm máu ra khỏi tim. Đây là một tình trạng đe dọa tính mạng và thường gây ra ngừng tim, cần được can thiệp cấp cứu ngay chỉ trong vòng vài phút.
  • Block tim: Khi một phần hoặc toàn bộ xung điện bị chặn trên con đường dẫn truyền giữa tâm nhĩ và tâm thất.
  • Hội chứng suy nút xoang: Nút xoang, nơi khởi phát xung điện của tim, bị tổn thương, dẫn tới tim đập chậm hoặc bị mất một số nhịp. Trong một số trường hợp, tim luân phiên đập nhanh rồi đập chậm.

6. Khi nghi ngờ bị rối loạn nhịp tim cần phải làm gì?

Bằng thăm khám lâm sàng bác sĩ có thể phát hiện ra bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim

Bằng thăm khám lâm sàng bác sĩ có thể phát hiện ra bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim .

Với một số trường hợp xuất hiện cơn chóng mặt, ngất xỉu nghi ngờ do rối loạn nhịp, các phương pháp cận lâm sàng (bao gồm điện tâm đồ) có thể xác định nguyên nhân có phải do rối loạn nhịp hay không, và thuộc loại nào.

Nếu bị rối loạn nhịp tim ngắt quãng, nếu thực hiện điện tâm đồ tiêu chuẩn một lần chưa chắc đã phát hiện được. Do đó bệnh nhân cần phải thực hiện điện tâm đồ lưu động - giúp đo hoạt động điện của tim bệnh nhân trong khi bệnh nhân sinh hoạt bình thường.

Trong một số trường hợp nhất định bệnh nhân cần làm điện tâm đồ gắng sức để bộc lộ rối loạn nhịp ngắt quãng.

Bài viết gợi ý

Thông tin liên hệ

Hotline - 0938 237 460
336A Phan Văn Trị, Phường 11
Bình Thạnh, TPHCM

Giờ làm việc

Thứ 2 - 7:
Chiều: 16:30 - 19:30
Chủ nhật, Ngày lễ nghỉ

Phụ trách phòng khám: BSCK2 Phạm Xuân Hậu. GPHĐ: 06075/HCM-GPHĐ ngày 07/9/2018 do Sở y tế TP HCM cấp

© 2024 Phòng khám Tim mạch OCA. Designed By Medcomis & JoomShaper