Bệnh tiểu đường

Xét nghiệm A1C theo dõi bệnh tiểu đường

Xét nghiệm A1C theo dõi bệnh tiểu đường

Ngoài việc theo dõi các triệu chứng và lượng đường huyết hàng ngày, bác sĩ có thể chỉ định bạn làm thêm xét nghiệm huyết sắc tố A1C vài tháng một lần.

Cứ 3–6 tháng, bác sĩ nội khoa hoặc bác sĩ đa khoa có thể yêu cầu bạn thực hiện một xét nghiệm lượng đường trong máu gọi là đo nồng độ huyết sắc tố A1C, còn gọi là HbA1C, glycohemoglobin, glycosylated hemoglobin, hoặc xét nghiệm huyết sắc tố gắn đường. Xét nghiệm này cho biết bạn đã kiểm soát được lượng đường huyết như thế nào trong khoảng từ 6–12 tuần trước khi xét nghiệm.

Bạn sẽ tiếp tục đo đường huyết tại nhà, nhưng xét nghiệm này sẽ cho bác sĩ biết kế hoạch kiểm soát đường huyết của bạn có hiệu quả hay không, hoặc bạn có cần phải thay đổi cách kiểm soát bệnh của bạn không?

Huyết sắc tố là gì?

Huyết sắc tố là một chất trong tế bào hồng cầu có vai trò vận chuyển oxy trong cơ thể. Nếu bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt, lượng đường dư sẽ tích tụ vào huyết sắc tố theo thời gian. Huyết sắc tố được bao phủ bởi đường được gọi là “gắn đường”.

Xét nghiệm A1C đo lường có bao nhiêu huyết sắc tố được gắn đường trong máu của bạn. Càng nhiều huyết sắc tố bị gắn đường trong máu, càng cho thấy bệnh tiểu đường trong những tuần gần đây không được kiểm soát tốt. Nồng độ HbA1C càng cao, bạn càng có nguy cơ cao bị các biến chứng của bệnh tiểu đường.

Tại sao phải xét nghiệm A1C?

Bác sĩ sẽ sử dụng xét nghiệm A1C để chẩn đoán ban đầu cho bệnh tiểu đường, và bác sĩ cũng lấy số đó để làm mức nền để xem xét các giá trị HbA1C trong tương lai. Qua đó, bác sĩ sẽ biết được bệnh của bạn đang tiến triển ra sao và bạn kiểm soát lượng đường huyết có tốt không.

Đối với những người đã mắc bệnh tiểu đường nhiều năm, nên làm xét nghiệm HbA1C định kỳ để xem thử kế hoạch điều trị của mình có đang hiệu quả hay không. Các xét nghiệm HbA1C cho bạn biết chỉ số đường huyết trong một tháng.

Mức độ thường xuyên bạn nên xét nghiệm?

Điều này phụ thuộc vào loại tiểu đường, kế hoạch điều trị, và trước đây bạn kiểm soát hàm lượng đường huyết bằng cách nào.

Nếu bạn bị tiểu đường tuýp 1, bạn sẽ được xét nghiệm thường xuyên hơn – bốn hoặc nhiều lần hơn trong một năm.

Nếu bạn bị tiểu đường tuýp 2, không sử dụng insulin, và bạn kiểm soát nồng độ đường huyết của mình trong phạm vi bình thường, thì bác sĩ chỉ yêu cầu xét nghiệm hai lần một năm.

Nếu bạn bị tiểu đường tuýp 2, sử dụng insulin, và không thể giữ nồng độ đường huyết trong phạm vi bình thường, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm kiểm tra nồng độ huyết sắc tố bốn lần hoặc nhiều lần hơn trong một năm.

Bạn mong đợi kết quả như thế nào?

Đối với những người không bị tiểu đường, giới hạn trên bình thường đối với HbA1c là 5.6%. Con số mục tiêu cho những người bị tiểu đường tùy theo từng người, bạn và nhân viên y tế sẽ cùng nhau trao đổi để xác định con số mục tiêu đó. Nói chung, kết quả HbA1C càng cao, bạn càng có nguy cơ mắc các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường.

Nếu bạn dùng xét nghiệm HbA1C để chẩn đoán bệnh tiểu đường, thì hai chỉ số HbA1C liên tiếp trên 6.5% là dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Chỉ số HbA1C giữa 5.7 – 6.4% là dấu hiệu của bệnh tiền tiểu đường – điều này có nghĩa là bạn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường nếu không thực hiện các biện pháp phòng ngừa nó.

Khi nào thì xét nghiệm HbA1C không hiệu quả?

Mức độ tin cậy của xét nghiệm HbA1C có thể bị giảm đi trong một số trường hợp. Dưới đây là một vài ví dụ:

Nếu bạn bị thiếu máu hoặc có nồng độ sắt trong máu thấp, kết quả xét nghiệm HbA1C sẽ bị cao hơn so với chỉ số thật.

Nếu bạn bị xuất huyết nặng hoặc xuất huyết mãn tính (có thể từ chu kỳ kinh nguyệt), bạn có thể có nồng độ huyết sắc tố thấp bất thường. Điều này có thể dẫn đến kết quả HbA1C có phần trăm thấp hơn chỉ số thật.

Nếu huyết sắc tố của bạn có hình dạng không đồng nhất – có nghĩa là bạn có những huyết sắc tố có hình dạng bất thường – kết quả HbA1C có thể sai sót. Đối với bệnh nhân có hình dạng huyết sắc tố bất thường, có thể được xét nghiệm HbA1C bằng những loại máy chuyên biệt.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Trẻ em béo phì giảm cân trước 13 tuổi sẽ giảm nguy cơ bị tiểu đường
  • Hệ thống phân loại mới để điều trị bệnh tiểu đường hiệu quả
  • Top 15 thực phẩm kiểm soát bệnh tiểu đường tốt nhất

BS Phạm Xuân Hậu (tổng hợp)

Bài viết gợi ý

Thông tin liên hệ

Hotline - 0938 237 460
336A Phan Văn Trị, Phường 11
Bình Thạnh, TPHCM

Giờ làm việc

Thứ 2 - 7:
Chiều: 16:30 - 19:30
Chủ nhật, Ngày lễ nghỉ

Phụ trách phòng khám: BSCK2 Phạm Xuân Hậu. GPHĐ: 06075/HCM-GPHĐ ngày 07/9/2018 do Sở y tế TP HCM cấp

© 2024 Phòng khám Tim mạch OCA. Designed By Medcomis & JoomShaper