Bệnh tiểu đường

Bạn có biết đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng gì đến thai nhi không?
Sharon McCutcheon on Unsplash

Bạn có biết đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng gì đến thai nhi không?

Đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng đến thai nhi thế nào? Khả năng sinh con to, sinh non, thai chết lưu… là những vấn đề đáng lo ngại khi sinh con. Không những vậy, bé còn có thể gặp biến chứng sau sinh.

Đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng đến thai nhi thế nào? Khả năng sinh con to, sinh non, thai chết lưu… là những vấn đề đáng lo ngại khi sinh con. Không những vậy, bé còn có thể gặp biến chứng sau sinh.

Những tác động của đái tháo đường thai kỳ lên thai nhi chủ yếu do đường huyết cao. Nếu người mẹ có thể giữ mức đường huyết của mình càng gần mức bình thường thì nguy cơ những tác động xấu lên em bé càng ít. Những ảnh hưởng của đái tháo đường thai kỳ lên thai nhi có thể là:

1. Nguy cơ sinh con to

Nếu đường huyết của người mẹ cao, đường huyết của em bé cũng sẽ cao. Khi đó, tuyến tụy của em bé sẽ đáp ứng bằng cách sản xuất nhiều hormone insulin hơn. Insulin làm hạ đường huyết và dự trữ lượng đường dư một phần dưới dạng mỡ. Do đó, em bé sẽ to hơn mức bình thường. Theo nhiều tài liệu, khi sinh ra, một em bé nặng trên 4kg được cho là to. Con to làm tăng nguy cơ bị các biến chứng sau:

Chấn thương trong quá trình sinh nở: Nếu em bé quá to, cả mẹ và bé đều có thể bị chấn thương khi sinh qua ngả âm đạo. Người mẹ có thể bị sang chấn tầng sinh môn, rách tầng sinh môn và nặng hơn là băng huyết. Còn con có thể bị chấn thương, kẹt vai, gãy xương đòn, kẹt dây rốn khi phải đi qua một khung chậu hẹp.

Do đó, vào những tháng cuối thai kỳ, nếu siêu âm ước đoán con to, có thể người mẹ phải sinh mổ để tránh những biến chứng xảy ra khi sinh qua ngả âm đạo. Giữ mức đường huyết của mẹ ổn định và gần mức bình thường trong suốt thai kỳ có thể làm giảm nguy cơ sinh con to.

2. Nguy cơ sinh non

Đái tháo đường thai kỳ làm tăng nguy cơ sinh non (sinh trước 37 tuần tuổi thai). Sinh non có thể là do chỉ định mổ lấy thai sớm để cấp cứu trong những trường hợp có biến chứng hoặc do chuyển dạ tự nhiên sớm vì những lý do khác.

3. Nguy cơ thai chết lưu trong giai đoạn cuối thai kỳ

Các báo cáo cho thấy tại Anh, thai già tháng (hơn 40 tuần 6 ngày) của những người mẹ đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ chết lưu nhiều hơn những người mẹ bình thường. Do đó, nếu ở Anh, các bà mẹ đái tháo đường chưa có dấu hiệu sinh khi quá 40 tuần thường được chỉ định khởi phát chuyển dạ nhân tạo hoặc sinh mổ tùy từng trường hợp. Dù có nguy cơ thai chết lưu nhưng số lượng thực tế lại không nhiều. Khi người mẹ đi khám thai đều đặn, bác sĩ sẽ phát hiện những bất thường và giải quyết kịp thời.

4. Nguy cơ em bé sau sinh hạ đường huyết

Những bé có mẹ bị đái tháo đường không được kiểm soát đường huyết tốt trước sinh có thể bị hạ đường huyết ngay sau sinh. Do đường huyết mẹ cao nên kích thích tuyến tụy tiết quá nhiều insulin. Khi lọt lòng mẹ, bé bị cắt nguồn đường cung cấp từ máu mẹ nhưng insulin trong cơ thể bé vẫn còn nhiều. Do đó, bé bị hạ đường huyết.

Hạ đường huyết điều trị khá dễ dàng, nhưng phải nhận biết sớm và điều trị sớm. Nếu không, bé sẽ bị di chứng thần kinh. Vì vậy, em bé có mẹ bị đái tháo đường nên được cho bú sớm ngay sau sinh và kiểm tra đường huyết khi nghi ngờ có bất thường.

5. Nguy cơ suy hô hấp sau sinh

Bé có mẹ bị đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ bị hội chứng suy hô hấp sau sinh nhiều hơn bé bình thường khác. Suy hô hấp không chỉ gặp phải ở các bé sinh non mà ngay cả một bé sinh bình thường, đủ tháng cũng có thể bị. Bệnh biểu hiện bằng triệu chứng khó thở, tím tái và cần được cấp cứu hỗ trợ hô hấp kịp thời.

Điều trị ổn định đường huyết cho mẹ là cách tốt nhất để phòng ngừa các biến chứng nặng nề cho con. Tuy không chắc chắn tuyệt đối những nguy hiểm sẽ không xảy ra nhưng ít nhất bạn cùng bác sĩ điều trị đã cố gắng hết sức để giảm thiểu các biến chứng. Mang thai là sẽ có nguy cơ gặp nhiều rủi ro nhưng với tiến bộ y khoa và sự tận tâm của đội ngũ y tế, những bà mẹ bị đái tháo đường thai kỳ có thể có một cuộc vượt cạn suôn sẻ, mẹ tròn con vuông.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Loại sữa nào tốt cho mẹ bầu khi bị đái tháo đường thai kỳ?
  • Đái tháo đường thai kỳ nên ăn trái cây gì?
  • Hạ đường huyết ở phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ

Bài viết gợi ý

Thông tin liên hệ

Hotline - 0938 237 460
336A Phan Văn Trị, Phường 11
Bình Thạnh, TPHCM

Giờ làm việc

Thứ 2 - 7:
Chiều: 16:30 - 19:30
Chủ nhật, Ngày lễ nghỉ

Phụ trách phòng khám: BSCK2 Phạm Xuân Hậu. GPHĐ: 06075/HCM-GPHĐ ngày 07/9/2018 do Sở y tế TP HCM cấp

© 2024 Phòng khám Tim mạch OCA. Designed By Medcomis & JoomShaper